[Friday-Yaybooks] CÁCH CỦA DENTSU
[Friday - Yay books]
Với hầu hết những ai làm trong ngành quảng cáo hoặc chí ít là đam mê, hứng thú với ngành quảng cáo, truyền thông, marketing thì cái tên Dentsu thật sự rất quen thuộc. Có lẽ đây cũng là mơ ước của khá nhiều người – được làm việc trong công ty quảng cáo lớn nhất nhì thế giới. Nhưng nếu chưa đủ khả năng để có thể được trở thành nhân viên của Dentsu, thì những người làm quảng cáo vẫn có thể học hỏi bí kíp làm quảng cáo của Dentsu thông qua cuốn sách “Cách của Dentsu”.
“Cách của Dentsu” chính là cách thức làm việc của công ty Dentsu đó là sự kết hợp toàn diện của văn hóa và triết lý, của trải nghiệm khách hàng và các nguyên lý cụ thể ảnh hưởng đến từng cá nhân trong tổ chức và chi phối toàn bộ tổ chức đó. Cuốn sách “Cách của Dentsu” là cuốn sách hữu ích, đáng đọc do những người có kinh nghiệm từ tập đoàn Dentsu chia sẻ. Cuốn sách cung cấp những ý tưởng và giải pháp do tập đoàn Dentsu đã và đang đề ra nhằm cung cấp những giải pháp hữu ích cho tương lai vì chúng ta đang ở thời đại mà tình hình kinh tế luôn gắn liền với những thay đổi đột xuất và khó đoán. Dentsu chỉ ra rằng không phải người tiêu dùng kém hứng thú khi mua hàng, họ không quan tâm, không tìm hiểu về mặt hàng mà họ định mua. Mà là do thời đại thông tin, có quá nhiều nguồn và nhiều thông tin khác nhau xuất hiện, người tiêu dùng không biết nên đọc nên tin vào thông tin nào, người tiêu dùng chỉ đơn giản là cảm thấy “thông tin này không liên quan đến tôi” và vô thức họ gạt bỏ ra khỏi tâm trí. Vì vậy họ tự tạo cho mình một hàng rào ngăn cách, gọi là “Rào cản thông tin”, họ sẽ chỉ tìm kiếm đến những thứ mà họ quan tâm và họ có nhu cầu mua.
Chính vì vậy Dentsu đã tạo ra cái gọi là “Truyền thông Dẫn dắt”, nghĩa là việc tạo ra được mối quan tâm của người tiêu dùng ngay từ đầu chiến dịch marketing và duy trì nó trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch. Việc đưa được người tiêu dùng ra khỏi “Rào cản thông tin” là vô cùng khó khăn vì gần như người tiêu dùng đã mất niềm tin vào thông tin và nhận thấy rằng “về cơ bản mọi thứ đều giống nhau”, từ đó “Rào cản thông tin” ngày càng dày lên và khó có thể phá vỡ. Dentsu cũng chỉ ra rằng cách tốt nhất để đưa người tiêu dùng ra khỏi “Rào cản thông tin” là để cho bản thân người dùng tự đi ra khỏi rào cản đó.
Dentsu cũng chỉ ra rằng Internet không chỉ rành riêng cho giới trẻ mà cả cho những người tiêu dùng đủ mọi lứa tuổi cũng sử dụng và tìm kiếm thông tin trên internet. Họ chủ động và độc lập tiếp nhận thông tin về những mục quảng cáo họ quan tâm mà không cần tác động bởi các yếu tố khác. Khi cần mua sản phẩm gì, hay quan tâm về một sản phẩm quảng cáo nào người tiêu dùng sẽ chủ động tìm kiếm thông tin đó qua các kênh khác nhau.
Dentsu tự nhận thấy rằng mô hình AIDMA (chú ý, quan tâm, mong muốn, ghi nhớ và hành đông) truyền thống đã lỗi thời, nó mang nặng yếu tố tuyến tính trong thế giới ngày nay. Từ những thay đổi trong môi trường thông tin này, Denstu hiện đang chứng minh một mô hình hành vi tiêu dùng mới mang tên AISAS (chú ý, quan tâm, tìm kiếm, hành động và chia sẻ) và mô hình này đã được Dentsu áp dụng thành công cho tới hiện nay. AISAS trở thành một mô hình toàn diện giúp doanh nghiệp dự đoán trước được hành vi của người tiêu dùng đa dạng và đồng thời vận hành tương ứng với các hoạt động trong thế giới thực.
Trong cuốn sách còn nói đến đó là việc so sánh giữa Truyền thông Hỗn hợp và Truyền thông Dẫn dắt. Truyền thông Hỗn hợp là sự lan tỏa nhiều quảng cáo hoặc kết hợp các hình thức truyền thông để đạt được mục đích chiến dịch một cách hiệu quả. Hiệu quả ở đây là việc sử dụng nhiều hình thức truyền thông khác nhau để truyền thông điệp đến càng nhiều người tiêu dùng càng tốt với chi phí tối thiểu. Còn Truyền thông Dẫn dắt, trọng tâm hoạch định lại là các Điểm Tiếp xúc liên kết người tiêu dung với thương hiệu. Vận dụng những Ý tưởng Cốt lõi để sáng tạo nên một tình huống nhằm làm cho đối tượng hành động.
Việc tạo tình huống là vô cùng quan trọng và hiệu quả của nó mang lại rất cao, để cho người tiêu dùng là nhân vật trong chính tình huống đó sẽ thôi thúc hành đồng của họ, kích thích một phản ứng tâm lý cụ thể có thể là tạo sự tò mò tìm kiếm thông tin, tăng sự đồng cảm, chia sẻ,… Có lẽ phần dễ đọc và hay nhất chính là các ví dụ thực tiễn về sự thành công của Dentsu. Thật sự mang lại cho em rất nhiều cảm hứng và mở mang nhiều điều về truyền thông. Các chiến dịch của Dentsu họ đều đặt người tiêu dùng vào vị trí trung tâm của chiến lược, họ nghiên cứu rất sâu về người tiêu dung trước khi cho ra một chiến lược nào đó.
Làm như thế nào để người tiêu dùng không chỉ biết mà còn có sự gắn bó với thương hiệu? Làm như thế nào để quảng cáo không chỉ là quảng cáo đơn thuần? Và nhiều câu hỏi mà bạn có thể sẽ thắc mắc khi xét đến thời đại mà thông tin tràn lan như hiện nay, bạn có thể sẽ tìm thấy một lời giải đáp thuyết phục của Dentsu.
Quyển này bạn đọc rồi?
► Chọn ngay quyển khác
#fridayyaybooks #reviewsach #vinagroupheadhunting
Bình luận