Quan điểm về nhảy việc

Quan điểm về nhảy việc

Trước đây, mọi người thường nhìn nhận và đánh giá một cách tiêu cực về hành vi nhảy việc của một ai đó và quan điểm của họ là xem nhảy việc là một điều không nên. Tuy nhiên, bên cạnh các khuyết điểm, nhảy việc cũng có ưu điểm, tác động tích cực đến sự nghiệp của bạn. Hãy cùng viecTOP tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé!

Vì sao mọi người muốn nhảy việc?

Trước khi đưa ra bất kỳ quan điểm về điều gì đó, chúng ta cần tìm hiểu và xác định rõ đâu mới là nguyên nhân cốt lõi của nó. Qua đó, nó giúp ta có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề.

Có thể kể đến những nguyên nhân phổ biến sau:

  • Không hài lòng với công việc hiện tại vì họ cảm thấy nó không hướng họ đến sự nghiệp họ mong đợi hay đơn giản là "không có tương lai".

  • Không thích công việc hiện tại hoặc môi trường làm việc tại công ty.

  • Cảm thấy công việc hiện tại quá quen thuộc, nhàm chán và họ muốn tìm những thử thách mới.

  • Không phải ai cũng thích ở một vị trí trong vài năm liên tiếp, họ hy vọng có những thay đổi, khác biệt và quyết định nhảy việc.

  • Họ đang cố gắng học các kỹ năng mới có thể mang lại lợi ích lâu dài.

Ví dụ, một designer muốn chuyển sang làm copywriter có thể vì không chỉ muốn làm việc với Photoshop hoặc các công cụ thiết kế khác mà còn muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo.

Quan điểm về nhảy việc

Những nhà tuyển dụng thường có cái nhìn định kiến về những ứng viên nhảy việc nhiều, cho rằng họ không tập trung, không có định hướng, không ổn định hoặc chỉ đơn giản là không kiên nhẫn và khó thích nghi. Mặc dù vậy, quan điểm này đang dần được thay đổi.

Trong một số lĩnh vực như kỹ thuật phần mềm, nhảy việc gần như không bị đánh giá tiêu cực. Nhiều công ty muốn nhân viên của họ có nhiều bộ kỹ năng sau khi chuyển từ công ty này sang công ty khác. Quá trình làm việc dù ngắn cũng khiến các nhân viên đó có được nhận thức đa dạng về phong cách làm việc và phần nào xác định được điều họ thích và không thích trong công việc.

Xem thêm:

Câu chuyện về nhảy việc: New challenge, new opportunity

Nhảy việc - Được và mất?

Cơ hội

  • Bạn có thể có được rất nhiều kinh nghiệm và một cái nhìn mới mẻ

Nếu bạn thay đổi công việc vài năm một lần, bạn sẽ thấy hoạt động nội bộ của các công ty và văn hóa, môi trường làm việc khác nhau. Mỗi doanh nghiệp sẽ có những thực hành và quy tắc ứng xử nhất định. Nếu bạn mang theo kiến thức, kinh nghiệm tích luỹ được, sau đó áp dụng chúng trong công việc tương lai, bạn có thể có nhiều ý tưởng tích cực, sáng tạo và được đánh giá cao.

  • Bạn có thể phát triển một mạng kết nối rộng, đa dạng

Bạn càng làm việc tại nhiều công ty, mạng kết nối của bạn sẽ càng rộng lớn. Có nhiều mối quan hệ xã hội cung cấp cho bạn nhiều tiềm năng phát triển - mở rộng danh sách khách hàng tiềm năng, đối tác, v.v. Điều này có thể được coi như một loại "tài sản", không chỉ của riêng bạn mà còn của cả doanh nghiệp bạn làm trong tương lai.

  • Bạn có nhiều cơ hội hơn để tìm thấy công việc phù hợp

Nếu bạn làm việc với các nhà tuyển dụng khác nhau, bạn sẽ có rất nhiều cơ hội để tìm ra loại công việc và văn hóa công ty phù hợp với mình nhất. Đây là một điều vô cùng có lợi cho cả bản thân bạn và nhà tuyển dụng tiềm năng, dĩ nhiên là với điều kiện bạn không tiếp tục nhảy việc trong thời gian ngắn.

Thách thức

  • Nhà tuyển dụng có thể ngại "đầu tư" vào bạn

Hãy tưởng tượng bạn là một nhà tuyển dụng. Liệu bạn có đầu tư vào đào tạo và phát triển nghề nghiệp của một người thay đổi công việc hàng năm? Chắc chắn là không. Nếu bạn thay đổi công việc thường xuyên, bạn có thể bị coi là nhân tố rủi ro. Kết quả là, bạn có thể không nhận được sự đào tạo, huấn luyện, phần thưởng hoặc cơ hội nghề nghiệp khác.

  • Bạn có nguy cơ bị cắt giảm nhân sự

Trong trường hợp thị trường hoặc ngành công nghiệp có những chuyển biến xấu, nhiều công ty sẽ buộc phải cắt giảm nhân sự để giảm chi phí vận hành. Lúc này, nhân viên trung thành thường được giữ lại vì sự ổn định và những cống hiến của họ. Trong khi đó, những người có "lịch sử" nhảy việc dễ bị sa thải đầu tiên.

  • Bạn có vẻ không đáng tin cậy

Nếu bạn liên tục nhảy việc, nhà tuyển dụng có thể có những nghi vấn về sự kiên trì, kiên định của bạn. Bạn có thể là có bằng cấp cao, kỹ năng tốt nhưng lại không đáng tin cậy. Điều đó cũng có nghĩa là bạn rất khó được sắp xếp vào các dự án dài hạn, yêu cầu kỷ luật và sự tuân thủ thời gian, chất lượng, hiệu suất,...

Khi nào nên nhảy việc?

Trước khi nhảy việc, bạn hãy cân nhắc các yếu tố sau:

  • Xác định những gì bạn sẽ đạt được:

Bắt đầu bằng cách tự hỏi liệu công việc tiếp theo sẽ cung cấp cho bạn những gì? Đó có phải là điều bạn tìm kiếm? Đừng nhảy việc chỉ vì lời hứa về mức lương cao hơn hiện tại, hãy cố gắng tìm ra một nơi cho phép bạn học hỏi, tiến bộ và cảm thấy gắn bó.

  • Không nhảy việc quá sớm:

Nhiều nhà tuyển dụng chỉ chấp nhận ứng viên có kinh nghiệm làm việc ở một vị trí từ ít nhất 1 năm trở lên. Do đó, bạn nên cân nhắc nếu mới chỉ làm ở công ty vài tháng.

  • Để lại ấn tượng tốt với công ty hiện tại:

Khi bạn quyết định nhảy việc, hãy thông báo sớm nhất có thể cho người quản lý của mình, thực hiện bàn giao công việc theo quy định. Điều này giúp bạn trở nên chuyên nghiệp hơn.

Bình luận