7 cách đối phó bắt nạt công sở

7 cách đối phó bắt nạt công sở

Tìm cách đối phó với những kẻ bắt nạt có vẻ không đơn giản. Vì thế chúng tôi đã xin lời khuyên từ các chuyên gia để giúp bạn biết bạn nên làm gì.

1. Lên tiếng ngay từ đầu

Tin tốt là bạn hoàn toàn có cơ hội để làm chủ tình thế trước khi bạn trở thành nạn nhân của bắt nạt nơi công sở về lâu dài. Theo CEO của Civility Partners, “Một trong những cách tốt nhất bạn có thể làm để bảo vệ mình là ngay khi nhận ra mình bị ai đó ngược đãi, bạn cần lên tiếng và dập tắt mối nguy ngay lập tức.” Cô ấy cũng đưa ra một vài gợi ý để bạn tham khảo:

  • Nhắc cho họ nhớ về giá trị mà họ vẫn đề cao: “Tôi biết anh đề cao việc mỗi người ý thức được giá trị của chính mình. Thế nhưng khi anh làm việc X, mục tiêu đó không thể đạt được. Sao chúng ta không thử làm Y?”

  • Giải thích tại sao đó lại là vấn đề lớn: “Tôi nhận ra là khi anh xử sự như vậy thì chúng ta rất khó hợp tác để hoàn thành công việc chung.”

  • Gọi tên họ nhiều lần: “A này, tôi hiểu điều anh nói nhưng A ạ, tôi mong anh ngừng việc X. Tôi làm việc cùng anh với sự tôn trọng nên tôi mong anh A cũng xử sự như vậy.”

Bạn cũng nên lưu ý đến ngôn ngữ cơ thể của mình khi đối diện với kẻ bắt nạt. Bà Zundel nhấn mạnh, “Đứng thẳng, tay thả lỏng hai bên, ngẩng mặt. Nếu bạn lo lắng về việc lên tiếng bảo vệ chính mình, cảm xúc của bạn sẽ được thể hiện qua việc bạn khoanh tay, chúi người về trước và mắt nhìn xuống.”

Tin xấu là nếu bạn cho qua việc bị lấn lướt và để nó tái diễn ngay từ đầu, sự việc sẽ càng ngày càng tệ. “Nhiều khi mọi người cứ cho qua hết lần này đến lần khác,” bà Zundel chia sẻ, “Đến khi họ nhận ra mình bị bắt nạt, mọi chuyện có lẽ đã quá muộn. Một khi sự mất cân bằng quyền lực đã ăn sâu, nạn nhân khó có thể tìm ra phương án đối phó hiệu quả."

Nói cách khác, nếu bạn lấy hết dũng khí để lên tiếng sau nhiều tháng trời bị bắt nạt, hành động ngược đãi của đối thủ ít có xu hướng sẽ dừng lại mà còn có thể nghiêm trọng hơn. Khi mọi chuyện đã đến mức này, bạn sẽ cần một biện pháp khác.

2. Ghi lại diễn biến của vụ việc và cách xử lý của bạn

Nếu sau một thời gian bạn mới nhận thức được đầy đủ những gì đang xảy ra với mình và cảm thấy bạn đã lỡ mất cơ hội hành động ngay từ đầu, hãy bắt đầu với việc ghi chép.

Lời khuyên của bà Zundel là “Ghi lại ai gây rắc rối cho bạn, về chuyện gì, khi nào, ở đâu và tại sao chuyện đó lại xảy ra. Nếu bạn ở trong một cuộc họp và việc bắt nạt xảy ra, khi quay trở lại bàn làm việc của mình hãy ghi lại những người cũng tham gia cuộc họp, kẻ bắt nạt đã nói gì và tại sao người đó lại nói vậy. Bạn nên ghi lại càng chi tiết càng tốt để có thật nhiều dẫn chứng cho sự việc. Khi bạn quyết định trình báo vụ việc bắt nạt sau này, bạn sẽ muốn trình ra những minh hoạ cụ thể cho vấn đề bạn đang giải trình."

Bên cạnh đó, hãy bắt đầu sao lưu các email hoặc bằng chứng cho sự việc của bạn. Ví dụ, sếp phê bình vô lý hiệu quả công việc của bạn, hãy thu thập tài liệu lượng hoá kết quả những việc bạn đang làm cũng như các email khen ngợi năng lực của bạn từ các bên liên quan khác.

3. Chăm sóc bản thân ngoài giờ đi làm

Bắt nạt có thể gây nhiều phiền toái cho công việc cũng như sinh hoạt ngày thường của bạn. Tuy nhiên các hoạt động tích cực có thể cân bằng lại những ảnh hưởng không tốt này.

Nếu có thể, hãy tham gia các hoạt động ngoài công việc làm bạn thấy vui, đó có thể là tham gia câu lạc bộ môn thể thao nào đó hay tập yoga, dành thời gian bên gia đình và bạn bè, lấy đó làm điểm tựa. Bạn cũng nên cẩn thận vì áp lực từ nơi làm việc có thể làm rạn vỡ các mối quan hệ cá nhân.

viecTOP bắt nạt công sở

4. Tiến hành tìm hiểu

Công ty của bạn có quy định gì về việc bắt nạt, đối xử ngược đãi, bạo hành bằng lời nói và các hình thức tấn công tinh thần tương tự hay không? Vì bắt nạt không tính là phạm pháp nên nhiều công ty không đưa vấn đề này vào quy định chung. Nhưng sẽ rất đáng công sức nếu bạn tìm hiểu cẩm nang cho nhân viên hay các tài liệu tương tự có đề cập đến giá trị, kỳ vọng của công ty có liên quan đến vấn đề này. Chúng có thể hỗ trợ bạn tốt hơn nếu bạn quyết định đâm đơn trình báo.

Bên cạnh đó, bạn có thể xem xét việc tìm kiếm sự trợ giúp pháp lý để quyết định tình huống của bạn có bị coi là quấy rối không. Giám đốc WBI, ông Namie gợi ý “thuê” một luật sư chuyên làm việc với các nguyên đơn bị quấy rối, phân biệt đối xử trong nửa đến một giờ để làm rõ sự việc của bạn trên phương diện pháp lý và tìm ra phương án xử lý phù hợp. Một số luật sư sẽ tư vấn miễn phí cho bạn, số còn lại sẽ tính phí theo giờ.

5. Nói chuyện với quản lý (hoặc một người khác trong trường hợp sếp bạn chính là kẻ bắt nạt)

Nếu bạn đã thử nhiều cách nhưng sự việc vẫn không khá hơn, bạn hãy thử nói chuyện với người quản lý của bạn (tất nhiên là khi họ không phải kẻ bắt nạt bạn). Bạn có thể nói: “Chuyện là như vậy. Em đã thử ba cách đó rồi nhưng không có tiến triển nên hôm nay em đến gặp anh/chị,” thay vì “Người này đang bắt nạt em. Anh/chị có thể giúp em được không?”

Nếu vấn đề nằm ở sếp của bạn, hãy cân nhắc liệu bạn có thể tin cậy một người ở cương vị lãnh đạo cùng cấp khác không hay ai đó ở chức cao hơn đủ để bạn có thể xin lời khuyên. Chìa khoá ở đây là tận dụng khéo léo các mối quan hệ trong nội bộ công ty. Mọi chuyện sẽ phức tạp nếu bạn tìm đến một người từng nhận kẻ đi bắt nạt bạn vào làm, hoặc là đồng nghiệp với người đó ở chỗ làm cũ hay tệ hơn là bạn thân, người có quan hệ thân quen với kẻ bắt nạt (trường hợp bạn làm việc trong một công ty gia đình) vì chuyện có thể đến tai kẻ bắt nạt và bạn sẽ gặp nhiều rắc rối hơn.

6. Trao đổi với bộ phận nhân sự hoặc người có quyền hành liên quan

Trước khi gặp gỡ với người ở bộ phận nhân sự, có vài điều bạn cần cân nhắc.

Thứ nhất, quyết định đi gặp ai. Theo bà Zundel, CEO của Civility Partners, “Kiểu người làm nhân sự thứ nhất chỉ tập trung vào việc tuân thủ các luật lệ và kiểu thứ hai tập trung vào văn hoá và con người. Nếu mọi chuyện không suôn sẻ với kiểu người thứ nhất, nhưng bạn nghĩ bạn sẽ dễ làm việc với kiểu người thứ hai, hãy tìm đến họ vì có thể họ sẽ chẳng cần một quy định nào để hỗ trợ bạn.”

Thứ hai, nghĩ xem bạn có thể đề cập đến trường hợp của mình theo thiên hướng công việc thay vì bất hoà cá nhân hay không, bất kể người bạn định đến gặp là ai. Bạn có thể tính toán những chi phí mà kẻ bắt nạt gây ra cho công ty như thiệt hại về doanh thu, năng suất giảm. Các tài liệu bạn đã thu thập sẽ rất có ích cho bước này vì bạn có thể đưa ra dẫn chứng cụ thể về thời gian bị lãng phí, tài nguyên bị mất đi do kẻ bắt nạt gây ra.

Cuối cùng, quyết định điều bạn thực sự muốn là gì. “Bạn chỉ muốn họ biết hay muốn họ giúp đỡ? Bạn có muốn kẻ đã bắt nạt mình bị thuyên chuyển công tác không? Bạn muốn gì từ bộ phận nhân sự?”, bà Zundel chia sẻ, “Bạn sẽ làm gì tiếp theo nếu bạn không thấy được những gì mình đang tìm kiếm?”. Nếu câu trả lời là bạn sẽ rời đi thì cũng được thôi. Đối với bạn, sự tôn trọng bản thân và sức khoẻ tinh thần ổn định quan trọng hơn là số tiền lương bạn nhận mỗi tháng.

7. Tìm một công việc mới

Trên thực tế, phần lớn các trường hợp bắt nạt (77% theo khảo sát của WBI) kết thúc bằng việc nạn nhân xin nghỉ công việc hiện tại. Lý do có thể là họ thấy chán nản nên nghỉ hoặc họ bị sa thải.

Lựa chọn phù hợp nhất là bắt tay tìm kiếm một công việc mới càng sớm càng tốt đặc biệt khi công ty của bạn không có quy định hay văn hoá nào bạn có thể tin tưởng để giải quyết nạn bắt nạt một cách nhanh chóng và triệt để. Ngay cả khi bạn đã làm một số việc trước khi quyết định xin nghỉ như nói chuyện với bộ phận nhân sự, có thêm một lời mời công việc khác phòng trường hợp sự việc không suôn sẻ là ý tưởng không tồi.

Nguồn: Cafebiz.vn 

Bình luận