[Friday-Yaybooks] TRONG CHỚP MẮT
Bạn có tin vào trực giác của mình khi phải ra quyết định không?
Nếu câu trả lời là có, thì đây là một vài điều bạn nên biết về trực giác:
Một là, bạn chắc chắn đã sử dụng nó nhiều lần hơn bạn tưởng. Thậm chí ngay cả trong trường hợp bạn cho rằng mình đã phân tích một tình huống hết sức lý trí và lập luận chặt chẽ cho lựa chọn của mình, thì chắc chắn bạn cũng chỉ dựa vào tiếng nói sâu thẳm bên trong của bạn mà thôi.
Hai là, trực giác của bạn thường có thể đưa ra những quyết định tốt hơn nhiều so với một sự phân tích thấu đáo. Đơn giản vì trực giác sẽ bỏ qua tất cả những thông tin không liên quan, và chỉ tập trung vào các yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, trực giác cũng bị ảnh hưởng bởi tất cả những yếu tố vô thức như định kiến hay thành kiến vốn là những thứ dễ khiến bạn lầm lạc.
Việc biết được khi nào nên và không nên tin vào trực giác của mình là điều tối quan trọng để có một quyết định tốt.
Trong cuốn sách này, bạn cũng sẽ học được:
- Tại sao thương hiệu nước giải khát với vị tuyệt hảo lại từng thất bại thảm hại khi tung ra thị trường,
- Tại sao các chuyên gia phát hiện những tác phẩm nghệ thuật giả mạo lại tin vào trực giác của họ hơn là những phân tích lý trí, và
- Làm thế nào mà một người lại được lựa chọn làm Tổng thống Mỹ chỉ qua dáng vẻ của mình?
Để ra quyết định trong bất kỳ tình huống nào, bộ não con người đều sử dụng hai chiến lược dưới đây:
Chiến lược thứ nhất là ghi lại và xử lý có ý thức các thông tin, cân nhắc lợi và hại, sau đó tiến đến một kết luận lý trí về lựa chọn tốt nhất có thể. Kiểu chiến lược xử lý thông tin này diễn ra chậm, và trong một vài tình huống, chúng ta sẽ không có đủ thời gian khi sử dụng cách này.
Trải qua quá trình tiến hóa của loài người, một chiến lược thứ hai nhanh hơn nhiều đã được sử dụng: nhanh như chớp, sự vô thức đưa ra những phán đoán chớp nhoáng dựa trên sự cảm nhận từ bên trong chứ không phải thông qua sự phân tích thấu đáo.
Kiểu chiến lược ra quyết định thứ hai này cho phép não bộ loại bỏ bớt những sự lo lắng khi phải tiêu hóa những suy nghĩ phức tạp thông qua việc sử dụng sự vô thức. Chúng ta không nhận thức được rằng, chỉ ngay dưới vỏ não, phần vô thức của bộ não chúng ta xử lý tình huống chỉ trong chớp mắt và đã có thể ra quyết định về hướng hành động tốt nhất.
Nhiều người có xu hướng chỉ tin vào những phán đoán có ý thức của họ và cảm thấy khó khăn khi phải quyết định dựa trên trực giác. Tuy nhiên, kết quả là chính những quyết định chớp nhoáng lại thường xuyên tốt hơn nhiều so với những quyết định đã phải qua một cuộc phân tích kĩ lưỡng.
Trong nhiều trường hợp, có những thứ khuôn mẫu và chuẩn mực mà óc vô thức nhận ra nhanh hơn óc ý thức và logic. Trong những trường hợp này, chúng ta hãy tin vào những quyết định chớp nhoáng của mình.
Thông điệp chính của cuốn sách này:
Bộ não con người có thể đưa ra những phán xét chớp nhoáng chỉ trong nháy mắt. Trong những tình huống nhất định, những phán xét này còn hữu dụng hơn nhiều so với những phân tích có ý thức, nhưng đồng thời đôi khi chúng cũng có thể dẫn đến những lựa chọn sai lầm và những đánh giá thiếu công bằng về người khác.
Bài học rút ra:
Nếu bạn đang tung ra một sản phẩm mới, hãy chắc chắn rằng bạn nhận được phản hồi trong những điều kiện thực tế.
Nếu công ty của bạn hay ông chủ của bạn đang chạy thử một sản phẩm mới và bạn muốn nghiên cứu thị trường trước về sản phẩm, hãy chắc chắn rằng bạn sẽ đưa ra được hoàn cảnh giống hệt như hoàn cảnh sẽ xảy ra khi khách hàng thực sự sử dụng sản phẩm. Nếu không thì những phản hồi bạn thu được sẽ hoàn toàn không đáng tin cậy.
Bình luận