That Will Never Work: The Birth of Netflix and the Amazing Life of an Idea
Netflix – Sẽ không bao giờ thành công đâu là câu chuyện đằng sau công ty trị giá 150 triệu đô la, thông qua lời kể của nhà sáng lập, CEO đầu tiên của Netflix – Marc Randolph – Người thay đổi cả nền công nghiệp điện ảnh Hollywood.
Phim Apollo 13 và 40 đô-la phí trả chậm
Nếu quan tâm và tìm hiểu về Netflix thì chắc bạn sẽ nghe qua câu chuyện rằng, vì không muốn mất mức phí trả chậm cho cửa hàng thuê đĩa danh tiếng lúc bấy giờ Blockbuster mà Marc Randolph (tác giả) và người bạn Reed đã nảy sinh ra ý tưởng cho thuê đĩa DVD thông qua đường bưu điện và giao tận nhà. Đó chỉ là một phần câu chuyện, nó thể hiện sự nhanh nhạy, nắm bắt cơ hội và Sáng Tạo trong ý tưởng khởi nghiệp của 2 nhà sáng lập, và đó cũng chỉ là câu chuyện đơn giản, gọn gàng mà Reed Hastings – chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Netflix đến thời điểm hiện tại đã luôn kể cho báo chí và truyền thông nghe. Đằng sau câu chuyện ấy còn là cả một quá trình tìm tòi, dấn thân, làm, thất bại và tiếp tục làm mà chính người trong cuộc kể lại trong quyển hồi ký dày hơn 500 trang của ông.
“Bán cái gì trên mạng và chưa ai bán ấy?”
Đó chính là tiêu chí mà Marc đã trình bày với Reed, lúc bấy giờ là nhà đầu tư danh tiếng và uy tín tại thung lũng Silicon, đồng thời Reed cũng là bạn thân của Marc. Ban đầu Marc có ý tưởng bán dụng cụ thể thao có thiết kế riêng, ván lướt sóng được cá nhân hóa hay thức ăn chỉ dành riêng cho chú chó nhà bạn. Tất cả ý tưởng đó đều bị Reed gạt bỏ, mà ngay chính Marc cũng thấy chúng khó mà thành công.
Cho đến khi Reed nhắc qua chuyện trả chậm cuốn băng Video Apollo thì ý nghĩ thoáng qua trong đầu Marc. Bạn cần biết lúc này là năm 1997 và Marc đã nhận định thương mại điện tử sẽ là xu hướng tiếp theo của thị trường. Vì thế, cho thuê băng video thông qua website và giao tận nhà ư? Nó quá nặng và Blockbuster, một ông lớn đang sở hữu dịch vụ cho thuê trực tiếp ở mật độ 15km/cửa hàng. Làm sao để cạnh tranh nổi. Marc phải bán cái gì đó mà chưa ai bán. Đĩa DVD chính là giải pháp
2 triệu đô là giá trị ban đầu của Netflix, số tiền này đến từ khoản đầu tư của Reed, không phải vì ý tưởng cho thuê đĩa DVD tận nhà qua đường bưu điện là một ý tưởng tuyệt vời mà phần nhiều bởi vì Reed thích mạo hiểm và Marc là bạn thân của Reed. Ngay cả khi Marc chia sẻ về ý tưởng của mình cho vợ biết thì cô cũng bảo rằng, “Sẽ không bao giờ thành công đâu!”. Tuy nhiên, Marc cho rằng một ý tưởng có thật sự thành công hay không chỉ khi nó được thực hiện
Những ngày tháng kiến tạo cần mẫn
Đội ngũ khởi nghiệp ban đầu của Netflix bao gồm Marc với vai trò chủ tịch, giám đốc điều hành. Tất cả có khoảng 8 người. Người chuyên thiết kế trang web, người viết nội dung giới thiệu cho các tựa phim, người phụ trách lên đơn hàng, đóng gói, làm việc với bưu điện, người lân la bình luận vào các diễn đàn phim ảnh lớn nhỏ và tất cả họ kiêm thêm nhiều công việc không tên khác bao gồm dọn văn phòng, trang trí, cài đặt…sẵn sàng ngủ lại văn phòng và làm việc đến sáng hôm sau. Thời điểm này không hề có các công nghệ lưu trữ hiện đại. Ngày ra mắt, để đáp ứng được nhu cầu thuê đĩa của 100 đơn hàng đầu tiên, máy chủ của Netflix đã sập ít nhất 3 lần. Nhưng đó chưa phải là tất cả, sau khi hồi phục máy chủ, Marc nhận ra nhu cầu mua đứt đĩa DVD của người dùng cao hơn hẳn nhu cầu thuê. Trong khi việc cho thuê đi thuê lại hàng trăm lần mới là cách giúp Netflix sinh lời và tồn tại bền vững
Làm thế nào để khách hàng thích việc thuê đĩa hơn là mua hẳn? Lúc này doanh thu từ việc bán đĩa chiếm hơn 90% doanh thu của Netflix. Nhưng một ngày nào đó khi Amazon nhận thấy được mảnh đất béo bở này, họ cũng sẽ lấn sân sang kinh doanh đĩa DVD và dìm chết công ty non trẻ như Netflix. Họ hoàn toàn có thể làm được như vậy khi tại thời điểm đó, Amazon có vài trăm nhân viên so với đội ngũ chưa đến 15 người của Netflix. Hợp tác với Amazon, Marc đã quyết định ngưng bán đĩa và tập trung 100% vào việc cho thuê để tránh việc cạnh tranh trực tiếp với Amazon. Netflix tạo một đường dẫn trực tiếp đến Amazon để khách hàng truy cập vào nếu có nhu cầu mua đĩa DVD. Tương tự như vậy, Amazon cũng tạo một đường dẫn đến Netflix nếu khách hàng có nhu cầu thuê. Tuy nhiên, cách này lại không thực sự hiệu quả, số lượng khách hàng mà Netflix mang đến cho Amazon nhiều gấp nhiều lần so với họ mang lại cho Netflix. Một lần nữa, làm sao để khách hàng biết đến dịch vụ cho thuê đĩa của Netflix và quay trở lại thuê chúng nhiều lần?
Marc nghĩ ra một giải pháp rất triển vọng, tặng dịch vụ thuê miễn phí cho những người sở hữu đầu đọc đĩa DVD. Làm sao để biết những ai đang sở hữu đầu đĩa DVD? Câu trả lời là khách hàng của các thương hiệu lớn lúc bấy giờ Sony, Toshiba và Panasonic. Marc tìm đến hội trợ hàng điện tiêu dùng và kết nối với các thương hiệu này. Thỏa thuận mà Marc đề ra là Netflix sẽ tặng 3 lần thuê miễn phí cho những khách hàng mua đầu đĩa DVD của 3 ông lớn trên. Sony và Panasonic đã lắc đầu, Toshiba đồng ý. Một lần nữa, Marc thấy mình và Netflix có cơ hội tiếp tục đi cùng nhau.
Nhưng đó cũng lại là khởi đầu như nhiều khởi đầu khác cho rất nhiều ý tưởng của Marc. Sau 3 lần thuê miễn phí, khách hàng lại không tiếp tục quay lại thuê lần thứ 4. Ý tưởng tiếp cận này một lần nữa ngốn nhiều chi phí nhưng không mang lại hiệu quả thật sự. Lúc này Marc đối diện với một quyết định rất quan trọng, từ bỏ chiếc ghế giám đốc điều hành, nhường lại cho một người khác thích hợp hơn là Reed. Không phải vì Marc không đủ năng lực, mà bởi vì sau khi được xây dựng, đặt nền móng, Netflix đến giai đoạn cần một cách điều hành khác hơn, phù hợp hơn. Marc vẫn ở đó với vai trò chủ tịch và kết hợp với Reed tiếp tục tìm câu trả lời cho câu hỏi “làm sao để khách hàng quay trở lại thuê đĩa nhiều lần thay vì mua đứt chúng”.
Trái ngọt
Sau khi chuyển ghế điều hành cho Reed, không biết bao lần Marc đã trồi sụt trong suy nghĩ của mình để tìm ra lối thoát cho Netflix, bao gồm cả scandal 2 xu cho đĩa Bill Clinton mà bạn sẽ được kể chi tiết trong sách. Những buổi sáng trong xe, những ngày đi bộ, rất nhiều ngày trôi qua như vậy để Marc có thể nghĩ ra ý tưởng thay vì thu tiền cho mỗi lần thuê đĩa thì Netflix sẽ thu theo hằng tháng.
Cụ thể như thế này, Netflix thu mức phí khoảng 17 đô-la hằng tháng, người dùng được sở hữu 4 đĩa một lúc và họ được phép đổi một chiếc đĩa trong bộ 4 bất cứ lúc nào để lấy một chiếc khác trong danh sách họ đăng ký chờ mà không tốn thêm bất kỳ khoảng phí nào. Nói ngắn gọn, bạn trả khoảng 17 đô-la và muốn coi bao nhiêu phim tùy thích, bao nhiêu lần tùy thích trong một tháng. Không phí trả chậm, không giới hạn số lượng phim và số lần xem. Chưa ai làm được điều này vào thời điểm đó. Và chính vì vậy thách thức để đạt được nó cũng không hề nhỏ. Netflix phải đảm bảo các đĩa được giao đến cho khách hàng đúng hạn theo danh sách mà họ đã đăng ký trên website. Vậy là họ cần một quy trình tinh gọn từ khâu tiếp nhận thông tin cho đến thu đĩa cũ, giao đĩa mới. Việc đó không hề đơn giản và lại mất thêm hàng trăm giờ tư duy và lao động của đội ngũ nồng cốt ở Netflix.
Thật may thay, ý tưởng kinh doanh mới trở nên hiệu quả, khách hàng yêu thích việc ngồi tại nhà thưởng thức phim bất cứ lúc nào họ muốn. Thanh toán phí đúng một lần mỗi tháng, phí sẽ được trừ tự động cho tháng sau và không có phí trả chậm còn kho phim luôn được cập nhật theo sở thích của từng khách hàng và đến tay họ nhanh nhất có thể. Vậy là Netflix sống, cổ phần hóa, phát hành kỳ IPO với mức 16.19 đô-la ấn tượng.
Bạn học được gì từ Marc Randolph?
Bài học lớn nhất mà Marc dành cho độc giả không chỉ là sự thành công của Netflix mà là cách ông đã khiến Netflix từ một ý tưởng chẳng ai dám tin trở thành hiện thực, mà còn thành công rực rỡ, thay đổi cục diện trong lĩnh vực cho thuê phim ảnh. Có một nguyên tắc mà Marc rất tin tưởng đó là, “Không ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra”. Chính nhờ như vậy mà Marc đã hết lần này đến lần khác bám đuổi ý tưởng của mình dù có vấp ngã hay đôi lúc cảm thấy như bế tắc. Đôi khi sự thành công chỉ đơn giản là làm điều chưa ai làm, điều đó mang lại những ý nghĩa và chúng cải thiện điều gì cho khách hàng? Nó không xuất phát từ tư tưởng muốn chứng minh bản thân, muốn giàu có hay muốn đấu đá với ai. Mà chỉ đơn giản Marc là người thích làm việc, làm những việc chưa ai làm mà ông tin chắc nó sẽ mang lại ý nghĩa nhất định. Như cái cách ông giúp cho việc thuê đĩa DVD dễ dàng, thuận tiện hơn. Từ đó khách hàng sẽ có trải nghiệm tốt hơn khi thưởng thức phim ảnh. Đó mới là điều ông muốn, chứ không phải là danh nghĩa chủ tịch hay giám đốc của một công ty khởi nghiệp. Vì nếu như vậy, ông đã không trao lại chiếc ghế điều hành cho Reed, đã không tự nguyện ra đi khi Netflix đã vào guồng quay và tăng trưởng ổn định. Marc sẽ dạy chúng ta cách yêu thích các vấn đề và giải quyết chúng thay vì yêu thích các giải pháp.
Netflix hiện tại đã được định giá 150 triệu đô và ngoài là dịch vụ streaming trực tuyến lớn nhất Thế Giới thì còn là nhà sản xuất phim, các chương trình truyền hình chất lượng. Phim do Netflix sản xuất đáp ứng nhu cầu giải trí, vừa chinh phục sân chơi Oscar danh giá. Từ một công ty non trẻ thì ngày nay, các dịch vụ giải trí trực tuyến hay thậm chí các hãng phim lớn đều phải dè chừng Netflix. Thật không quá khi nói rằng, nếu không có những ngày tháng kiên trì và quyết tâm làm hết lần này đến lần khác của Marc cùng đội ngũ sáng lập thì đã không có Netflix như ngày nay. Và dù có thích hay không, nhưng chúng ta phải thừa nhận, Covid-19 vừa qua chẳng những không làm suy yếu mà còn khiến Netflix trở nên mạnh mẽ hơn.
Nếu bạn cần một quyển sách truyền cảm hứng cho cuộc sống, cho những ý tưởng kinh doanh và cần một vài lời khuyên hiệu quả từ một trong những danh nhân đến từ Thung lũng silicon thì đây là một cuốn sách như vậy – gãy gọn, hài hước và hiệu quả.
Bình luận